Hướng nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của Viện Công Nghệ

Với phương châm “nghiên cứu gắn với thực tiễn” cùng bề dày kinh nghiệm nghiên cứu ứng dụng các lĩnh vực đúc, nhiệt luyện, gia công cơ khí, Viện đã và đang tạo dựng được uy tín trong việc phát triển sản phẩm và dịch vụ công nghiệp phụ trợ.

Nghiên cứu ứng dụng các kết quả của các đề tài, dự án

Là viện nghiên cứu ứng dụng, hoạt động khoa học của Viện luôn bám sát yêu cầu của thực tiễn sản xuất. Viện đã xây dựng các đề tài nghiên cứu để giải quyết các vấn đề công nghệ trong lĩnh vực đúc, nhiệt luyện, gia công cơ khí. Đến nay,Viện đã thực hiện hơn 200 đề tài nghiên cứu, trong đó có 19 đề tài cấp Nhà nước và gần 200 đề tài cấp Bộ. Nhiều đề tài được áp dụng vào sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm có uy tín, có sức cạnh tranh trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, Viện đã chủ động phối hợp với các cơ sở nghiên cứu khoa học ở trong và ngoài nước như Ukraina, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản… Đồng thời phối hợp với các đối tác trong việc chuyển giao và ứng dụng hiệu quả nhiều công nghệ mới, tiên tiến. Lĩnh vực đúc: Viện đã thành lập Phòng Thí nghiệm công nghệ và các hợp kim đúc với các thiết bị như lò cảm ứng nấu luyện chân không, thiết bị đo độ bền vật liệu làm khuôn, lò nung, lò sấy… nhằm chế tạo các loại hợp kim đúc có nhiệt độ nóng chảy cao và dễ bay hơi, hợp kim titan y sinh, công nghệ đúc áp lực – bán lỏng; công nghệ chế tạo composite nền đồng hạt thép; phát triển nhóm các hợp kim đặc biệt sử dụng trong công nghiệp quốc phòng; nghiên cứu hiệu chỉnh thiết kế công nghệ đúc bằng phần mềm MaGma, phù hợp với quy mô sản phẩm, yêu cầu chất lượng và tính chất làm việc của chi tiết. Công ty TNHH MTV Cơ khí Mê Linh là nơi ứng dụng các kết quả nghiên cứu mới để đúc phôi và chế tạo các sản phẩm có yêu cầu kỹ thuật cao, các chi tiết phức tạp bằng các mác hợp kim cao làm việc trong các điều kiện khắc nghiệt, chịu nhiệt, chịu mài mòn và ăn mòn hóa học cao, phục vụ sản xuất xi măng, khai thác mỏ, giao thông, hóa chất… đồng thời, chuyển giao các công nghệ và thiết bị đúc như công nghệ đúc khuôn cát nhựa furan, công nghệ đúc truyền thống, công nghệ đúc tiên tiến (đúc áp lực, đúc bằng mẫu tự thiêu công nghệ hộp nóng, công nghệ chế tạo vật liệu composite kim loại).

Lĩnh vực nhiệt luyện: Viện được đầu tư trang bị các thiết bị hiện đại như 02 lò nhiệt luyện chân không đơn buồng Treater-M của hãng IPSEN-CHLB Đức, lò thấm N plasma, các lò thấm C-N điều khiển kỹ thuật số và các thiết bị đo kiểm độ cứng. Dịch vụ nhiệt luyện truyền thống, nhiệt luyện chân không các sản phẩm cơ khí như khuôn kim loại (khuôn rèn, khuôn dập, khuôn đúc áp lực, khuôn đùn nhôm), trục cán, gang Cr cao, thép Mn, thấm các bánh răng, trục răng, phụ tùng ô tô, xe máy đang được thực hiện tại Viện với chất lượng và hiệu quả được khách hàng đánh giá cao, sản lượng ngày một tăng. Nghiên cứu chế tạo thiết bị và chuyển giao công nghệ nhiệt luyện là một thế mạnh của Viện. Các đề tài như thấm đa nguyên tố (C- N-S), thấm C, C-N, thấm N đã được triển khai và từng bước đưa vào ứng dụng trong sản xuất tại Viện cũng như chuyển giao cho các đơn vị khác. Thiết kế và chế tạo thành công các loại lò nhiệt luyện có hệ thống điều khiển kỹ thuật số. Công nghệ tôi phân cấp trên lò chân không được nghiên cứu và ứng dụng để nhiệt luyện khuôn có hình dạng phức tạp, kích thước lớn đáp ứng yêu cầu khắt khe của khách hàng.

.

Lĩnh vực Kiểm định vật liệu: với những thiết bị hiện đại như máy phân tích quang phổ phát xạ nguyên tử, máy thử kéo nén vạn năng, thiết bị đo độ cứng, thiết bị chụp ảnh kim tương phục vụ đắc lực cho việc nghiên cứu công nghệ chế tạo vật liệu, nhiệt luyện, xử lý bề mặt kim loại và hợp kim. Phòng kiểm định vật liệu của Viện được Văn phòng Công nhận Chất lượng (VPCNCL) thuộc Bộ KH&CN đánh giá và công nhận là phòng thí nghiệm có HTQL phù hợp yêu cầu của ISO/IEC 17025:2005. Lĩnh vực thiết kế, chế tạo các loại khuôn mẫu chất lượng cao: Viện sở hữu Trung tâm khuôn mẫu chất lượng cao được đầu tư trang thiết bị hiện đại với hệ thống thiết bị CNC hoàn toàn mới, hiện đại và đồng bộ bao gồm các trung tâm gia công CNC 3 trục và trung tâm gia công 5 trục của DMG Mori Seiki; Thiết bị gia công điện – hóa; Máy tiện CNC và NC; Các thiết bị hiệu chỉnh – lắp ráp khuôn; Thiết bị lấy mẫu máy scan 3D-Faro EDGE; Thiết bị đo kiểm CMM của Tokyo seimitsu XYZAX SVA FUSION 9/10/6; Máy mài tròn ngoài GU-32x100NC; Máy mài phẳng PSG-C50100AHR, máy cắt dây CUT 30P; Máy cắt dây V65; Máy xung SP 3U, SP1U. Các thiết bị trên hình thành một tổ hợp thiết kế, chế tạo, kiểm tra khuôn kim loại đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hiện tại, Viện đã chế tạo hoàn chỉnh các loại khuôn như khuôn rèn, khuôn dập, khuôn ép và khuôn đúc áp lực để cung cấp cho các đơn vị thành viên của Tổng Công ty và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đây là thế mạnh mới của Viện trong ngành công nghiệp phụ trợ

Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới, Viện sẽ tổ chức khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống các trang thiết bị đã được đầu tư, chủ động tham gia các chương trình KH&CN các cấp với định hướng cơ bản là nghiên cứu phát triển về công nghệ chế tạo vật liệu kim loại, công nghệ nhiệt luyện và xử lý bề mặt, công nghệ gia công chế tạo khuôn mẫu, công nghệ tạo phôi. Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển sản phẩm mới, mở rộng ngành nghề kinh doanh theo hướng tập trung vào những lĩnh vực đã và đang là thế mạnh của Viện như chế tạo dây chuyền thiết bị đồng bộ, tạo phôi đúc, nhiệt luyện, xử lý bề mặt, vật liệu mới… Viện Công nghệ tiền thân là viện nghiên cứu công nghệ thuộc Bộ Cơ khí và Luyện Kim, nay là Viện nghiên cứu duy nhất trực thuộc Tổng Công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (VEAM). Trải qua 46 xây dựng và phát triển (1970-2016), Viện trở thành một tổ chức KH&CN vừa hoạt động theo luật KH&CN vừa hoạt động theo luật doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận